Sợ thất nghiệp
Đạt 22,25 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Lữ Trọng San, ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa không ứng tuyển vào bất cứ trường đại học nào mà quyết định đi học nghề. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, San nộp đơn vào ngành Lắp đặt Cơ khí, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. San cho biết: “Theo học tại các trường đại học, em sẽ mất trung bình từ 4 đến 5 năm, trong khi học tại các trường nghề sinh viên chỉ mất khoảng 3 năm cho hệ cao đẳng và 2 năm cho hệ trung cấp. Hơn nữa, việc đào tạo tại các trường đại học không dành thời gian cho thực hành nhiều như các trường nghề”.
Phụ huynh đưa con đến trường, làm thủ tục nhập học. |
Giống San, Trần Trúc Vương, quê ở Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, khi bắt đầu lựa chọn các trường nghề để theo học, yếu tố em quan tâm nhất là giải quyết đầu ra, việc làm cho sinh viên. “Em có rất nhiều anh chị đã học xong đại học, thậm chí học xong cả thạc sĩ nhưng không có việc làm, phải đi làm công nhân, học nghề lại từ đầu, rất khó khăn và vất vả. Do đó, ngay từ khi học cấp 3, em đã định hướng nghề nghiệp bản thân, chia sẻ và thuyết phục với bố mẹ để theo học tại các trường nghề vì em rất sợ thất nghiệp”, Vương giải thích.
Theo Vương, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại các trường nghề rất cao do nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp lớn, cần những người thợ lành nghề, có thể đi làm ngay và không mất công đào tạo lại. Nghĩ là làm, Vương lên mạng đọc, tìm hiểu thông các trường nghề, quyết định theo nộp ngành Công nghệ Hàn, Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội. “Em hy vọng, sau 3 năm học tại trường, em sẽ có một công việc tốt, với mức lương tương xứng, khoảng 10 triệu/tháng”, Vương cười nói.
Cam kết lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng
Khác với Vương hay San, Hương Giang, nhà ở Cát Linh, Đống Đa đã có anh trai học tại Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội. Sau khi học xong, anh trai Giang được các doanh nghiệp “săn đón ráo riết” vì có tay nghề giỏi, chuyên môn cao nên bố mẹ em rất vui và tự hào. Ngay khi thi tốt nghiệp, Giang được anh trai và bố mẹ định hướng theo học tại trường nghề với hy vọng có việc làm ổn định như anh trai.
“Bố mẹ em không nặng về chuyện học trường nghề, cao đẳng hay trường đại học, trở thành ‘thầy’ hay ‘thợ’, quan trọng nhất là có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có lương đều và ổn định hàng tháng, chưa kể đến cơ hội thăng tiến và được học tập nâng cao tay nghề tại nước ngoài”, Giang nói.
Khác với Giang, em Lan Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sinh năm 1993 là ‘tân sinh viên đặc biệt’ nhất của Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội năm nay. Bởi, Lan Anh đã tốt nghiệp đại học, thi đỗ đầu vào cao học nhưng vẫn quyết tâm theo học nghề trong lĩnh vực kỹ thuật. “Ban đầu bố mẹ em không đồng ý, muốn em đi làm luôn nhưng sau khi em thuyết phục, giới thiệu về trường, cơ hội nghề nghiệp... bố mẹ em đã đồng ý. Hôm nay đi khai giảng, bố mẹ cũng đi cùng em”, Lan Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Mai, Phó Giám đốc Tư vấn tuyển sinh và Hỗ trợ Việc làm, Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Hà Nội, năm học 2015 – 2016, trường đã có gần 1.000 học sinh, sinh viên nhập học tại 3 cơ sở của trường. Việc làm cho sinh viên là một trong những vấn đề được nhà trường quan tâm hàng đầu khi xét tuyển số lượng và chất lượng đầu vào.
“Với quan hệ trên 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước, 100% sinh viên được đi thực tập đúng ngành nghề và được tư vấn, giới thiệu việc làm lương cao ngay khi đi học. Sau khi tốt nghiệp, mức thu nhập trung bình từ 3,5 đến 4 triệu/tháng. Đặc biệt, nhóm 5 ngành trọng điểm của trường như điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại và cơ điện tử, nhà trường cam kết mức lương tối thiểu của sinh viên đạt 5 triệu đồng/tháng”, ông Mai nhấn mạnh.
Theo đó, sinh viên cửa trường được đào tạo với mô hình 30% lý thuyết và 70% thực hành, do đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên đều có tay nghề vững vàng và được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay. Đạt tỷ lệ trên 85%, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế: nhà nước, liên doanh, nước ngoài, tư nhân... với mức lương cạnh tranh.
Ông Mai cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động quốc gia và khi vực trong thời đại mới, trường không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đội ngũ giảng viên mà việc cập nhật áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới và chuẩn hóa các giáo trình, giáo cụ quốc tế vào nghiên cứu và giảng dạy, thực hành... cũng liên tục được đổi mới.“Nhà trường tâm niệm, học sinh sinh viên chính là khách hàng, là ‘sản phẩm’ của mình. Đó là những ‘sản phẩm đào tạo’ sau 2 năm học trung cấp và 3 năm học cao đẳng mà chúng tôi gửi ra cho doanh nghiệp. Khi nhận ‘sản phẩm’, nếu doanh nghiệp hài lòng, ưng ý về trình độ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng làm việc hiệu quả, nhân cách có nghĩa chúng tôi đã thành công trong quá trình đào tạo ra những người lao động giỏi, mang danh trường cơ điện”, ông Mai khẳng định.